Dùng Lu Theo Đề Xuất "TIẾN SĨ" Liệu Có Chống Được Ngập Lụt?

Tại Việt Nam, nhiều công ty khi tư vấn, thiết kế hộ gia đình thì họ đã tư vấn cho gia chủ về giải pháp xây dựng hệ thống thu chứa và tái sử dụng nước mưa nhà ở hộ gia đình.

Ngày đăng: 15-07-2019

1,411 lượt xem

Dùng Lu Theo Đề Xuất "TIẾN SĨ" Liệu Có Chống Được Ngập Lụt?

Đề xuất dùng LU chống ngập cho người dân TPHCM của đại biểu HĐND Phan Thị Hồng Xuân khiến cả hội trường bật cười. Vì lẽ gì mà công cuộc chống ngập đến kinh niên của thành phố lớn nhất nước cứ loay hoay và nhiều... sáng tạo đến vậy?

“Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa” - đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Đại biểu HĐND TP HCM nêu ra tại phiên thảo luận về chống ngập tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM khóa IX, chiều 12/7 khiến hội trường xôn xao. Dù Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng không đả động gì đến sáng kiến này tuy nhiên, trong thời đại mạng xã hội bao phủ rộng khắp, ngay khi báo chí đăng tải, dư luận đã có nhiều ý kiến, trong đó hầu như không có ý kiến nào ủng hộ đề xuất của Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân mà đều phản ứng, thậm chí chỉ trích khá gay gắt vì cho rằng không khả thi.

Sau đó, trao đổi với báo chí,Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân lý giải đề xuất dùng lu chống ngập không phải bà tự suy diễn ra mà đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra. Theo đó, JICA cho rằng, nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình trong điều kiện của mình xây 1 bể chứa nước 1m3 thì không những góp phần chống ngập mà còn giúp tiết kiệm nước sạch để dùng tưới cây rửa xe... thay nước máy. Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước khác cũng dùng giải pháp này để chống ngâp.

Đại Biểu Phan Thị Hồng Xuân

Ở TP HCM, kiến trúc nhà ở của người dân phần lớn đều là nhà ống, và chung cư, số biệt thự rộng rãi chiếm rất ít… Trong những ngôi nhà ống đó, ngoài bể chứa nước sạch thì hệ thống nước mưa được thoát ra cống ngầm. Nhà ở chung cư cũng vậy.

Trong những ngôi nhà chật chội vài chục m2 ở đô thị, diện tích được triệt để tận dụng, thậm chí còn phải sử dụng đồ nội thất nhiều công năng, thì lấy đâu ra chỗ để chứa một cái lu chờ tích nước vào ngày mưa?

 

Giả như đề xuất được triển khai, mỗi nhà một cái lu, thì cả thành phố đông dân nhất nước này sẽ có khoảng 2 triệu cái lu, mỗi nhà một bể nước thì thành phố cũng có đến gần 2 triệu bể nước. Gần 2 triệu cái lu đặt ở đâu? 2 triệu bể nước đặt ở đâu khi mỗi tấc đất thành phố đều được ví như vàng. Hơn thế, một cái lu dù có chứa khoảng vài trăm lít, cũng không thể ăn thua gì với những trận mưa lớn gây ngập úng.

Trên thực tế, một số cư dân mạng cho biết, việc nước ngoài chống ngập cục bộ là họ dùng bể ngầm dưới đất chứa lượng nước mưa, nước ngập ngoài đường; điều tiết lượng nước chảy ngoài đường/chống ngập. Chứ không chỉ đơn giản kiểu dùng lu chống ngập (thực ra dân gian xưa nay đặt lu hứng nước trước hiên nhà để sử dụng, chứ nào phải chống ngập gì đâu) 

Về mặt y tế, nhiều chuyên gia lo ngại việc xây dựng 1 hồ chứa nước trong nhà từng hộ dân sẽ dẫn đến nhiều dịch bệnh khó lường, rất khó khả thi.

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Giải pháp dùng lu để chứa nước được người dân sử dụng khi không có nước máy, nay đã có nước máy các lu khạp chứa nước cần phải lật úp để hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Ở góc độ bệnh học, tôi cho rằng nếu chứa nước trong lu hay xây bể chứa nước mưa thì rất nguy hiểm”.

“Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển trong môi trường nước sạch. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc chứa nước trong các lu (khạp) đã tạo môi trường cho muỗi sốt xuất huyết sinh sôi, gây bệnh là bài học rất đắt bởi không phải lúc nào người dân cũng đậy kín được miệng lu. Đây là giải pháp chẳng những không khả thi mà nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao”, ông chia sẻ thêm.

Tại một số nước phát triển, người ta xây dựng hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa cho hộ gia đình, vừa để giảm ngập cục bộ, úng thủy và tái sử dụng nguồn nước. Với hệ thống này, mỗi hộ gia đình, tùy theo nhu cầu mà họ dùng thùng nhựa hoặc bể chứa ngầm dưới 10 mét khối. Lượng nước mưa sau khi được thu gom sẽ dùng vào việc tưới cây, xả bồn vệ sinh,...

Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều công ty khi tư vấn, thiết kế hộ gia đình thì họ đã tư vấn cho gia chủ về giải pháp xanh trong xây dựng nhà ở hộ gia đình, trong đó có giải pháp xây dựng hệ thống thu chứa và tái sử dụng nước mưa.

Với lượng mưa ở Việt Nam, nếu mỗi hộ gia đình có 1 bể thu chứa và tái sử dụng nước mưa chừng 1 đến 3 mét khối thì việc ngập cục bộ tại các đô thị sau các trận mưa lớn đã không xảy ra hoặc nếu xảy ra cũng không nghiêm trọng.

Ở khu vực quận Thủ Đức cũng đã xây dựng hồ điều tiết ngầm quy mô vừa tại Nhà thiếu nhi quận với quy mô 100m3. Tuy nhiên, hồ ngầm chứa nước mưa trong từng hộ gia đình thì chưa được TPHCM triển khai do không khả thi với điều kiện thành phố.

 

Tiếc rằng, với đề xuất cái lu hứng nước mưa chống ngập úng được đưa ra khiến người dân thêm hụt hẫng sau hơn 10 năm đằng đẵng đợi chờ những giải pháp thiết thực, hiệu quả được đưa ra và triển khai. Dùng lu theo đề xuất chống ngập của Đại biểu “Tiến sĩ” có thể sẽ không được lắng nghe, nghiên cứu để triển khai trong thực tế nhưng từ chuyện cái lu cũng là cơ hội để các cơ quan nhà nước có giải pháp mạnh mẽ và thiết thực hơn để giải quyết những bức xúc của người dân một cách ráo riết.

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập 1,083,463

Đang online5

ĐỐI TÁC CHÍNH